May có khoản tiền thưởng vượt ra ngoài dự kiến mà Akaki Akakievich đủ tiền may áo mới. Bác hân hoan mang tiền đến người thợ may. Người thợ may cũng hân hoan không kém vì lần đầu tiên được may một chiếc áo mới. Chiếc áo được may xong. Trong khi Akaki Akakievich hân hoan tận hưởng cảm giác trong một chiếc áo mới thì người thợ may chạy theo, thỉnh thoảng lại len lỏi qua các ngõ hẻm chạy lên trước để chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình. Tối đó lần đầu tiên Akaki Akakievich dám nhận lời đến dự sinh nhật của một đồng nghiệp. Đêm, khi bác ra về qua một phố vắng, một toán cướp cướp mất của bác chiếc áo khoác. Bác cuống cuồng kêu cứu cảnh sát, gặp ông quận trưởng, nhưng chỉ hoài công. Bác tìm đến cầu cứu một “nhân vật quan trọng”, nhưng ông này sai người ném bác ra ngoài đường. Akaki Akakievich tuyệt vọng về nhà ốm, rồi chết. Sau khi chết bác trở thành hồn ma trên các đại lộ Peterburg, chặn khách qua đường, cướp áo khoác của họ. Hồn ma chỉ thôi không xuất hiện khi cướp được chiếc áo khoác của chính “nhân vật quan trọng” kia. “Con người nhỏ bé” với ước mơ cũng “nhỏ bé” của mình, vì “hạnh phúc bị đánh cắp” mà tuyệt vọng nổi loạn, nhưng là nổi loạn sau khi chết.
Truyện ngắn Chiếc áo khoác với phong cách vừa trào lộng vừa trữ tình đặc trưng cho Gogol đã đem lại bước phát triển mới cho hình tượng “con người nhỏ bé” do Pushkin khởi xướng từ truyện ngắn Người coi trạm (1830) và trường ca Kị sĩ đồng (1833). Tương truyền rằng nhà văn thế hệ sau Dostoievsky tuyên bố: “Tất cả chúng ta đều từ Chiếc áo khoác của Gogol mà ra cả”. Có thể thấy bóng dáng tinh thần tác phẩm của Gogol trong truyện ngắn Chiếc đồng hồ của nhà văn Việt Nam Bùi Hiển.
Văn học Nga trong giai đoạn này còn nổi tiếng bởi nhà phê bình kiệt xuất V. Belinsky (1811 – 1848), người đặt nền móng lí thuyết cho chủ nghĩa hiện thực, xác lập lí thuyết loại và thể trong văn chương đồng thời là nhà hoạt động cách mạng dân chủ nổi tiếng với bức Thư gửi Gogol (1847).
Cho đến giữa thế kỉ, hình tượng “người thừa” bắt nguồn từ sáng tác của Pushkin, Lemontov được nhà triết học duy vật, nhà phê bình và nhà văn A. Ghertsen (1812 – 1870) tiếp tục triển khai trong tiểu thuyết Ai có lỗi? (1847). Kiểu hình tượng này cũng được nhà văn I. Gontsarov (1812 – 1891) tái hiện với những nét cực đoan của nó trong tiểu thuyết nổi tiếng Ohiomov (1859).
Từ khóa tìm kiếm nhiều: van hoc nga, puskin