Trong nguyên bản tác phẩm, Pushkin kể rằng hai vợ chồng ông lão “sống trong một căn hầm cũ kỹ”. “Căn hầm” là nơi ở không ra hình thù của một căn nhà: hoặc nó được khoét sâu xuống đất, hoặc nó được dựng trồi lên tạm bợ. Nếu không quan tâm đến kích thước, có thể thấy “căn hầm” có hình thù không khác “cái máng” là bao: nó có thể được khơi ra từ lòng đất như cái máng thuyền, hoặc có thể “úp mai rùa” như cái máng úp ngược. Nếu lưu ý rằng “cái máng” trong tác phẩm của Pushkin là một “cái máng giặt”, trên bình diện cảm quan vũ trụ, mạch liên tưởng trong tác phẩm có thể được mở rộng liên kết với hình ảnh “biển nổi sóng”. Trục hình tượng “Biển – Căn hầm – Cái mảng” được triển khai trong tác phẩm thành một mạch liên kết qua ba mắt xích lấp lửng theo chiều “rộng – hẹp”, hoặc “mở ra – úp lại”. Trục hình tượng này được hỗ trợ bàng sự dịch chuyển vị thế không gian của ông lão và bà lão theo mạch phát triển cốt truyện.
Khác với câu chuyện dân gian, ở đầu truyện của Pushkin, trong không gian thoáng rộng của biển khơi, ông lão không “đi câu”, mà “quăng lưới”2 chụp xuống biển. Khi kéo lên được một con cá vàng, nắm trong tay vận mệnh của cá, ông lão mở lưới ra tha cho nó, chủ động hòa vào khát vọng về khoảng không tự do của biển. Nhưng sau đó, cam chịu tuân theo những đòi hỏi của bà lão, ông lão thành kẻ đầu sai “sấp sấp ngửa ngửa” trong vận động miễn cưỡng “ra biển” rồi “lộn lại”, lúc bị “sai xuống làm việc ở chuồng ngựa”, khi bị đuổi “ra khỏi cửa”, và cuối cùng “giông tố đen sầm” như chụp xuống, bủa vây ông trong hoàn cảnh không lối thoát. Vị thế không gian của bà lão gắn kết nhiều hơn với nơi ở, chỗ ngồi: ứng với hai điều ước chính đáng đầu tiên, vị thế của bà lão không được xác định, song bắt đầu từ điều ước thứ ba, vị thế của bà lão dịch chuyển từ “dưới bậu cửa sổ” lên “hiên lầu”, rồi vào “sau bàn trong cung điện” (nghĩa là càng lên cao càng bị “úp lại”, giam cầm trong những điều ước của chính mình). Đọng lại trong cảnh cuối là hình ảnh bà lão “ngồi trên ngưỡng cửa” căn hầm trong sự đợi chờ vô vọng. Sự dịch chuyển vị thế không gian của hai nhân vật trong tác phẩm của Pushkin không cùng hướng, không hòa nhập, nhưng lại thể hiện một xu thế chung: khoảng không thoáng rộng, lớn lao, trường cửu ở đây bị ép vào không gian chật hẹp, nhất thời; ý thức rộng mở lòng mình bị “chụp xuống”, chịu sự đè nén của tham vọng thu vén, quyền lực vị kỉ, nhỏ nhen và áp lực số phận.
Đọc thêm tại:
- http://vanhocnga.blogspot.com/2015/04/bai-tho-toi-yeu-em-cua-nha-tho-puskin.html
- http://vanhocnga.blogspot.com/2015/04/nha-tho-pushkin-la-mot-hien-tuong-ac.html
- http://vanhocnga.blogspot.com/2015/07/bieu-tuong-thien-chua-giao-trong-tac.html