Pages

Được tạo bởi Blogger.

Mối quan hệ thống trị và bị trị trong tác phẩm của Pushkin

         Mối quan hệ thống trị – bị trị tạo khoảng cách giữa hai giai tầng nông dân và quý tộc, chi phối tất cả các mối quan hệ khác trong xã hội, làm cho xã hội phân rã; khát vọng tự do xuất hiện cùng với quan niệm lệch lạc về tự do (đồng nhất với vật chất và quyền lực vị kỉ), cùng với sự thụ động, cam chịu cố hữu chỉ làm cho vấn đề tự do cho nhân dân ngày một trở nên nhức nhối hơn. Đó là những vấn đề nổi cộm của xã hội Nga cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Nhấn mạnh những vấn đề này bàng hệ thống hình tượng của mình, Pushkin kết nối cái “ngày xưa” trong câu chuyện cổ với thời sự bức thiết của nước Nga trong thời đại của ông. Hơi thở của thực tại đương đại đã làm cho tác phẩm của Pushkin trở nên hiện đại, tươi mới, dường như hoàn toàn khác với câu chuyện dân gian chủ yểu hướng tới bài học “thưởng Thiện phạt Ác” không mang tính lịch sử cụ thể.
         Bình diện thời sự không lấn át bình diện huyền thoại trong Người đánh cá và con cá nhỏ, mà chỉ cộng hưởng với nó, làm cho nó trở nên lung linh đa nghĩa. Yếu tố huyền thoại cổ xưa được xác định bởi một “vai trò người vợ trong quá trình nhận thức thế giới và chính mình” tiềm ẩn trong câu chuyện dân gian được Pushkin “giải cấu trúc” và kiến tạo lại thành một chỉnh thể huyền thoại mới mang đậm cảm quan “hiện sinh” về thân phận con người trong thể giới hiện đại.


Pushkin

        Trong nguyên bản, phân biệt với câu chuyện dân gian Hai vợ chồng người đánh cá, Pushkin xác định tiêu đề cho tác phẩm của mình là Người đánh cá và con cá nhỏ: chỉ đề cập đến “người đánh cá” (xác định lĩnh vực hoạt động của nhân vật, không nhấn mạnh tuổi tác) và “con cá nhỏ” (xác định đối tượng, không nhấn mạnh giá trị – phép lạ). Trọng tâm ý nghĩa ở đây dịch chuyển từ một “bà vợ tham lam” sang mối quan hệ giữa người đánh cá và con cá. Yếu tố phép lạ (“con cá vàng” và khả năng đáp ứng nguyện vọng một cách kì diệu), vốn có chức năng thực thi việc “đổi đời” – “thưởng Thiện phạt Ác” ở phần kết mỗi câu chuyện cổ tích, ở đây được Pushkin chuyển vào phần diễn biến hành động ở giữa câu chuyện làm cơ sở tạo dựng tình huống thử thách. Trên thực tế, phép lạ ở đây mất đi sức mạnh thiêng liêng của nó, chỉ còn có ý nghĩa tình huống. “Chẳng cần chi cả”, ông lão trong truyện của Pushkin coi “con cá vàng” hay “con cá nhỏ” thực chất cũng đều như nhau. “Con cá vàng biết nói tiếng người” đối với ông lão chỉ thuần túy là sự lạ, đáng ngạc nhiên mà ông “chưa từng thấy”, hoàn toàn không có ý nghĩa vị kỉ, thực dụng. Sự bất biến ở đầu và cuối truyện phá hủy ý nghĩa của mọi sự biến đổi bên trong diễn trình hành động.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: van hoc nga, puskin