Pages

Được tạo bởi Blogger.

Dostoievsky không “thả nổi” các nhân vật của mình

     Trên thực tế, Dostoievsky không “thả nổi” các nhân vật của mình. Ông là người nhạc trưởng tài ba cho dàn nhạc giao hưởng “phức điệu” trong tác phẩm. Tính khuynh hướng của Dostoievsky thể hiện đặc biệt trong cách tổ chức tác phẩm sao cho người đọc “đối thoại” với tác giả và nhân vật, có khả năng “lựa chọn” đúng sai, nhìn thấy được những khuynh hướng nguy hiểm, cũng như tiến bộ trong dòng chảy thời đại để xác định quan điểm sống đúng đắn cho riêng mình qua kinh nghiệm xương máu của các nhân vật.

     Hướng tới việc miêu tả con người như những nhân cách đang ý thức về thế giới và về chính mình, nhạy bén nắm bắt mạch chảy của thời đại, Dostoievsky thường hay lựa chọn trong thực tại những hiện tượng bề ngoài tưởng như dị biệt, nghịch lí và hoang đường nhưng thực chất lại thể hiện những khuynh hướng bắt đầu nảy sinh từ bản chất thực tại. Dostoievsky coi đó mới là những điển hình của thực tại và tìm cách đoán định mạch phát triển của nó trong tương lai. Nhà văn Pháp A. Camus gọi Dostoievsky là “nhà tiên tri của thế kỉ XX”. Quả thật, nhiều hiện tượng dị biệt ở thời đại Dostoievsky được ông phản ánh vào tác phẩm của mình như những “mầm mống của tương lai” cho đến thế kỉ XX đã trở thành điển hình phổ biến. Dostoievsky là một trong những nhà văn đầu tiên tiên đoán trước được “bi kịch người xa lạ” trong xã hội tư bản phát triển, tiên đoán trước được sự khủng hoảng tư tưởng xã hội sẽ diễn ra vào thế kỉ XX. Dostoievsky là một trong số ít các nhà văn được coi là “không bị cũ đi theo thời gian”. Nhà văn hiện thực kết hợp với “nhà tiên tri thấu thị” Dostoievsky như vậy.


Dostoievsky


     Toàn bộ sáng tác về sau của Dostoievsky thể hiện những trăn trở trong ý thức của những nhân cách trong một thực tại xã hội đầy mâu thuẫn: ở đó cái không đẹp, cái hỗn độn, trải nghiệm thực tế của những lầm lẫn phải trả giá, không đánh mất đi niềm tin, lòng khát khao hướng tới cái đẹp, cái hài hoà vốn có từ cội nguồn dân tộc, trong lòng những người dân bình dị. Dostoievsky tin rằng ý thức về Cái đẹp (đối với ông nó đồng nghĩa với lòng vị tha, tính nhân bản) và Nhân dân – cội nguồn luôn là sự “cứu rỗi” đối với con người. Sau những trăn trở khủng khiếp, con người sẽ tìm được về với Cái đẹp và Cội nguồn thể hiện trong sự hoà đồng ý thức tự giác trong tình yêu thương, khi mỗi người “tự giác đem cái Tôi của mình chia đều cho mọi người”. Các tác phẩm của Dostoievsky tràn ngập dự cảm về một tương lai như thế.

     Mơ ước của Dostoievsky phần nào mang sắc thái không tưởng, nhưng chừng nào còn có Con người trăn trở với Khát vọng hài hoà trong một Xã hội mâu thuẫn, người ta còn phải tìm đến với Dostoievsky. Đúng như nhà thơ Anh w. Auden nhận định: “Xây dựng một xã hội con người dựa trên tất cả những gì Dostoievsky nói là không thể được. Nhưng xã hội nào quên những điều ông nói không xứng đáng được gọi là xã hội con người”.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: puskin, bài thơ tôi yêu em của puskin